Hanoi Metro
Planning clip Hanoi 2030
Thư Viện Video Clip Trực Tuyến

Home » , , » Mô hình bản đồ, Đồ hình - quy hoạch Hà Nội mới mở rộng 2030 - 2050

Mô hình bản đồ, Đồ hình - quy hoạch Hà Nội mới mở rộng 2030 - 2050

>>Ngắm siêu xe của Cường Đô La
Thông tin mới nhất từ Bộ Xây dựng cho biết, báo cáo lần thứ 4, cũng là báo cáo cuối cùng về quy hoạch Hà Nội mở rộng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, cho đến thời điểm này đã được Thành uỷ Hà Nội, HĐND; UBND TP.Hà Nội, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về cơ bản sau khi đóng góp một số ý kiến để đề án hoàn thiện hơn.
Dự kiến, báo cáo về quy hoạch chung Hà Nội sẽ được trình lên Quốc hội tại kỳ họp này. Theo đó, rất nhiều vấn đề gây tranh cãi thời gian qua bước đầu đã được tháo gỡ và làm rõ như: Trung tâm chính trị quốc gia sẽ vẫn được đặt tại Ba Đình; xác định rõ các trục không gian hướng tâm về nội đô, cũng như phương án tìm nguồn vốn để thực hiện đề án…
Khẳng định phát triển mô hình đô thị hạt nhân và đô thị vệ tinh

Mô hình Hạt nhân - Vệ tinh thổi phồng vai trò của Hạt nhân, các vệ tinh bị lệ thuộc, mất tính độc lập của mình (Nguồn: Quy hoạch Hà nội do Liên danh tư vấn quốc tế PPJ (Perkins Eastman - Mỹ, Posco E&C và Jina - Hàn Quốc)
Mô hình Hạt nhân - Vệ tinh (Nguồn: Quy hoạch Hà nội do Liên danh tư vấn quốc tế PPJ (Perkins Eastman - Mỹ, Posco E&C và Jina - Hàn Quốc)
Theo Bộ Xây dựng, trong báo cáo cuối cùng này, quan điểm thủ đô Hà Nội sẽ được xây dựng phát triển bền vững theo mô hình: Đô thị trung tâm hạt nhân kết nối với 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn khác thuộc khu vực nông thôn tiếp tục được khẳng định.
Định hướng phát triển mới này cũng được đa số nhân dân (trưng cầu ý kiến thông qua Triển lãm Quy hoạch Hà Nội từ 21.4 đến 4.5.2010) tán thành, với khoảng 88% số phiếu ủng hộ. Theo đó, đô thị trung tâm hạt nhân được giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 4 và phía Bắc sông Hồng có khu vực Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm-Yên Viên và Long Biên.
Đặc biệt, theo đề án cuối cùng này thì, bên cạnh các khu vực hiện hữu, khu vực mở rộng phía Nam sông Hồng là chuỗi khu đô thị phía Đông đường vành đai 4 thuộc các khu vực Đan Phượng – Hoài Đức – Hà Đông – Thường Tín sẽ phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hoá, thương mại, tài chính cấp vùng và quốc gia với mật độ cao.
Chuỗi khu đô thị mới này sẽ góp phần thu hút rất lớn dân số dịch chuyển từ trong nội đô thành phố ra ngoài và tiếp nhận nhiều dự án từ hơn 750 đồ án, dự án đang được rà soát, cập nhật.
Khu vực mở rộng phía Bắc sông Hồng là một bộ phận thiết lập đô thị hạt nhân trung tâm, đảm bảo ý tưởng chủ đạo của đô thị Hà Nội là thành phố hai bên sông, gồm: Khu vực Gia Lâm – Long Biên phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế… gắn với các ngành công nghiệp dọc QL5.
Khu vực Đông Anh phát triển thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn khu di tích Cổ Loa và đầm Vân Trì, hình thành khu thể thao mới thành phố Hà Nội (ASIAD), trung tâm triển lãm, thương mại Hà Nội (EXPO) và vui chơi giải trí của thành phố. Khu vực Mê Linh phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp sạch, kỹ thuật cao kết nối với sân bay Nội Bài, trung tâm trưng bày, hội chợ hoa Thăng Long – Mê Linh kết hợp trung tâm khoa học công nghệ chuyên ngành hoa và cây cảnh.
Đô thị vệ tinh gồm 5 đô thị, là Hoà Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên-Phú Minh và Sóc Sơn. Mỗi đô thị vệ tinh có một hoặc nhiều chức năng đặc thù riêng để hỗ trợ, chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo chất lượng cao, công nghiệp, dịch vụ… tạo công ăn, việc làm cho dân cư tại chỗ và dân nhập cư.
Đặc biệt, trong đề án quy hoạch Hà Nội mở rộng sẽ có các thị trấn sinh thái mật độ thấp được nâng cấp từ các thị trấn hiện hữu như Phùng, Tây Đằng, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa, Thường Tín, Liên Quan…
Những thị trấn sinh thái này được thiết kế để cung cấp các dịch vụ tổng hợp, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, làng nghề và giải quyết việc làm tại chỗ, phát triển các dịch vụ sinh thái gắn với bảo tồn di tích và cảnh quan trong hành lang xanh. Trước mắt sẽ phát triển 3 thị trấn sinh thái là Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn từ các thị trấn cũ hiện nay làm mô hình thí điểm, sau đó sẽ nhân rộng và nâng cấp các thị trấn, thị tứ trong khu vực nông thôn thành các thị trấn sinh thái.
Cần nói thêm, khi trưng cầu ý kiến nhân dân thông qua Triển lãm Quy hoạch HN, các giải pháp về không gian cấu trúc đô thị, liên kết vùng và hạ tầng xã hội, hành lang xanh, vành đai xanh đã chiếm khoảng 90% số phiếu ủng hộ của người dân.
Xác định các trục hướng tâm và hệ thống đường chính đô thị
Đề xuất xây dựng trục tâm linh Thăng Long - ảnh: Ashui.com
Đề xuất xây dựng trục tâm linh Thăng Long - ảnh: Ashui.com
Các trục không gian hướng tâm về nội đô Hà Nội sẽ được xây dựng theo hướng nào là vấn đề được tranh cãi nhiều thời gian qua. Theo đề án quy hoạch sau khi được Liên danh tư vấn chỉnh sửa để trình lên Quốc hội kỳ này, đó sẽ là các trục Thăng Long, trục quốc lộ 32, trục Láng-Hoà Lạc, trục quốc lộ 6, quốc lộ 3, trục quốc lộ 1, trục Nhật Tân-Nội Bài…
Trong đó, trục Thăng Long: kết nối Ba Vì với khu vực Hồ Tây-Ba Đình, đóng vai trò chính là trục giao thông và hành lang hạ tầng kỹ thuật chính hỗ trợ phát triển các vùng phía Tây Bắc Hà Nội phát triển như Hoà Lạc, Sơn Tây, Ba Vì, khu vực Nam Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Cũng theo đề án mới, trục Thăng Long còn là không gian kết nối văn hoá Thăng Long-Hà Nội với văn hoá xứ Đoài. Trên trục sẽ xây dựng một số công trình kiến trúc văn hoá, lịch sử, giải trí tầm cỡ quốc gia và quốc tế, có đài Độc lập và hệ thống công viên cảnh quan…
Kết thúc trục Thăng Long, quy hoạch chung lần này Liên danh tư vấn đã dành khu vực đất dự trữ tại Ba Vì để xây dựng các công trình của Chính phủ sau năm 2050, gồm trụ sở của các bộ, ngành, cơ quan Chính phủ, các công trình văn hoá và sẽ có các khu dân cư. Trung tâm chính trị quốc gia vẫn được xác định tại Ba Đình (gồm trụ sở làm việc các cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội và Nhà nước…).
Cũng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, việc dự kiến xây dựng trục Thăng Long kết nối khu vực Hồ Tây với Ba Vì đã chiếm khoảng 77%  số phiếu ủng hộ; việc dự kiến vị trí dự trữ đất xây dựng các cơ quan Chính phủ sau năm 2050 tại Ba Vì chiếm 69,81% số phiếu ủng hộ của người dân thông qua triển lãm.
Đặc biệt, tiếp thu kết quả nghiên cứu của quy hoạch phát triển hai bên sông Hồng, đề án lần này bổ sung những đề xuất mới phù hợp với quy hoạch chung, như: Khu vực Tứ Liên kết nối không gian Hồ Tây với khu vực Cổ Loa, giảm thiểu mật độ và tầng cao xây dựng, hình thành các công viên đô thị…
90 tỉ USD sẽ lấy ở đâu?
Theo đề án, dự kiến giai đoạn 2010-2050 sẽ xây dựng hoàn chỉnh các công trình hạ tầng kỹ thuật khung cho toàn đô thị với tổng kinh phí cần khoảng 90 tỉ USD. Trong đó, giai đoạn 2010-2020 để tạo động lực phát triển, Hà Nội sẽ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung với tổng kinh phí khoảng 30,7 tỉ USD (giao thông chiếm 56% tổng vốn đầu tư tương ứng khoảng 20,4 tỉ USD); giai đoạn 2020-2030, kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung thêm khoảng 28,9 tỉ USD (giao thông chiếm 12,9 tỉ USD); giai đoạn 2030-2050, cần thêm khoảng 29,9 tỉ USD (giao thông khoảng 16,8 tỉ USD).
Để phát triển kết cấu hạ tầng khung, nguồn vốn để thực hiện, theo đề án, sẽ lấy từ huy động nguồn vốn nội lực là chính, trong đó chủ yếu từ nguồn kinh phí đấu giá quỹ đất xây dựng đô thị, tài sản công thuộc sở hữu nhà nước.
Ngoài ra, đề án cũng đề xuất cần phải thu hút vốn từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Huy động thêm từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước, FDI, ODA để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung cho giai đoạn 2010-2020.
Đặc biệt, đề án lần này đã phân kỳ thực hiện và ưu tiên đầu tư khá cụ thể. Trong đó, giai đoạn từ năm 2010-2020 – giai đoạn tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung – sẽ ưu tiên xây dựng và hoàn thiện các tuyến vành đai 3, 4, tuyến đường Láng – Hoà Lạc, quốc lộ 32, tuyến Nhật Tân – Nội Bài, Thăng Long – Nội Bài, trục Thăng Long…, xây dựng mạng lưới giao thông công cộng, hạ tầng các khu công nghiệp, khu thương mại đầu mối trên tuyến vành đai 4; di dời các cơ sở đại học, y tế; tiếp tục hoàn thiện các khu vực dự án như: Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu công nghệ cao trong đô thị Hoà Lạc.
Giai đoạn 2020-2030, bên cạnh tiếp tục xây dựng các hạng mục công trình đã triển khai, sẽ chú trọng xây dựng hạ tầng các đô thị vệ tinh và hệ thống giao thông công cộng kết nối khu đô thị trung tâm hạt nhân với các đô thị vệ tinh. Thực hiện việc giãn dân và cải tạo khu vực nội đô; xây dựng hạ tầng khu dân cư nông thôn.
Theo các chuyên gia tư vấn phản biện quốc tế (thuộc Công ty Worley Parsons – Úc và chuyên gia vùng Ile de France – Pháp), sau 3 lần chỉnh sửa, đề án quy hoạch Hà Nội mở rộng lần này đã đạt được kết quả nghiên cứu của một đồ án quy hoạch chung để báo cáo Chính phủ, hướng tới mục tiêu xây dựng một Hà Nội xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại.
Các ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước nhìn chung cũng thống nhất với các ý kiến của phản biện về các mặt quy hoạch chung đã đạt được và những mặt cần phải bổ sung, hoàn thiện. Bộ Xây dựng cho biết, Hội đồng thẩm định sẽ tổ chức họp thẩm định quy hoạch chung Hà Nội mở rộng sau khi tư vấn tiếp thu các ý kiến của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội, các hội nghề nghiệp và nhân dân, và sẽ có ý kiến phản biện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào tháng 8.2010.
Phạm Huệ – Quỳnh Trang (Lao Động)
>>Ngắm siêu xe của Cường Đô La

0 nhận xét to "Mô hình bản đồ, Đồ hình - quy hoạch Hà Nội mới mở rộng 2030 - 2050"

Leave a comment