>>Ngắm siêu xe của Cường Đô La
Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều
chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu thị trường bất động sản
(BĐS) đã được ban hành. Tuy nhiên, thị trường hầu như chưa có biến
chuyển, các doanh nghiệp BĐS vẫn tiếp tục khó khăn.
Đưa bất động sản vào siêu thị
Mới đây, Công ty TNHH BĐS Phúc Khang đã đưa biệt thự sinh thái vào
Siêu thị BigC An Lạc (TP. HCM) để giới thiệu, bán hàng. Việc đưa sản
phẩm BĐS vào bán trong siêu thị đã thu hút được sự quan tâm của nhiều
người. Song, phần lớn khách hàng ghé qua quầy của công ty này vì tò mò
nhiều hơn là để tìm hiểu, mua sản phẩm.
Cách đây ít hôm, Cen Group cũng đã khai trương siêu thị dự án tại địa
chỉ 137 Nguyễn Ngọc Vũ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) trên diện tích hơn 2.000
m2. Theo giới thiệu, đến siêu thị dự án, khách hàng sẽ được thoải mái
lựa chọn sản phẩm tại 14 dự án được trưng bày. Trong khi với người bán,
việc bán hàng tại siêu thị sẽ giúp chủ dự án giảm được chi phí bán hàng
rất nhiều, nếu so sánh với việc bán hàng tại các sàn giao dịch có diện
tích hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm cho
rằng, việc bán nhà tại các siêu thị hay khu giải trí là một hiện tượng
rất phổ biến tại Thái Lan. Thế nhưng, tại Việt Nam, việc mang nhà đến
siêu thị rao bán lại khiến nhiều người có những suy nghĩ không mấy thiện
cảm về dự án, về chủ đầu tư vì cho rằng doanh nghiệp phải rất khó khăn
mới phải rao bán nhà trong… siêu thị.
Cũng theo ông Kha, rất khó bán hàng trong thời điểm thị trường có ít
nhu cầu. Vì thế, theo ông Kha, tại thị trường Hà Nội, nhiều DN không quá
bí bách về tài chính vẫn chọn cách nằm im chờ đợi thời điểm hợp lý hơn
mới tung bán hàng ra thị trường.
Các doanh nghiệp BĐS đang chờ một cú hích từ chính sách để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay
Giảm giá, ưu đãi
Mặc dù việc bán hàng trong thời điểm hiện nay rất khó khăn, nhưng theo
ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, nhiều
doanh nghiệp BĐS muốn tồn tại thì phải nghiên cứu những phương thức bán
hàng và phương thức tiếp cận khách hàng mới, bởi trong bối cảnh thị
trường hiện nay, phương thức bán hàng truyền thống ít hiệu quả!
Cũng theo ông Đực, có 2 cách tiếp cận khách hàng được nhiều doanh
nghiệp BĐS tại TP. HCM đang áp dụng. Đó là chọn một kênh phân phối uy
tín để gửi gắm sản phẩm; hoặc doanh nghiệp quảng cáo kế hoạch bán hàng
gây sốc, rồi tự bán hàng. Cách bán hàng thứ 2 đã được Hoàng Anh Gia Lai
áp dụng, khi lãnh đạo doanh nghiệp này phát đi tín hiệu sẽ bán nhà với
giá chỉ bằng 50% giá thị trường. Động thái này đã thu hút sự quan tâm,
chú ý của rất nhiều người. Tuy nhiên, việc bán hàng thành công trong
thực tế là rất khó khăn.
Tại thị trường Hà Nội, dù bối cảnh thị trường rất ảm đạm, nhưng mới
đây, chủ Dự án Nam Đô Complex tại địa chỉ 609 Trương Định (quận Hoàng
Mai) là GP Invest và chủ Dự án Golden Palace tại xã Mễ Trì (Từ Liêm) là
CTCP Đầu tư Mai Linh đã mở bán căn hộ. Mặc dù cả 2 dự án đều được Ngân
hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ký hợp đồng hợp tác hỗ trợ tín
dụng cho khách hàng, nhưng các chủ dự án vẫn đưa ra chương trình ưu đãi
riêng. Cụ thể, chủ đầu tư Dự án Nam Đô Complex, ngoài hỗ trợ vay vốn,
còn hỗ trợ khách hàng 6% lãi suất. Trong khi chủ Dự án Golden Palace lại
khuyến mãi gói nội thất trị giá lên đến 180 - 320 triệu đồng cho khách
mua nhà.
Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội, việc các chủ đầu
tư bán hàng trong thời điểm hiện nay là quá… nguy hiểm. Bởi, nếu bán với
giá quá cao, người tiêu dùng sẽ không chấp nhận. Còn nếu bán hàng với
giá thấp, việc bán hàng chưa chắc thành công, khiến cho việc chào bán
hàng tại những đợt chào bán sau này sẽ rất khó khăn.
Chờ cú hích giảm lãi suất
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc CTCP Đất Xanh Miền Bắc (thành viên
của Tập đoàn Đất Xanh) cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp BĐS
đã rất nỗ lực để vượt qua khó khăn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp chấp
nhận lỗ khi liên tục tuyên bố giảm giá gây sốc để bán hàng. Thế nhưng,
doanh nghiệp càng giảm giá, người mua nhà càng thờ ơ.
Ông Quyết cho rằng, cú hích lớn nhất với doanh nghiệp và thị trường
BĐS đang được nhiều người chờ đợi vẫn là việc hạ lãi suất. Chỉ khi lãi
suất hạ, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phát triển trở lại, thì người
dân mới có niềm tin trở lại với thị trường BĐS, sẵn sàng đầu tư một
khoản tiền lớn vào mua nhà, đất.
Ông Nguyễn Văn Kha thừa nhận, thời gian qua, thị trường BĐS đã nhận
được sự quan tâm hỗ trợ từ Chính phủ về mặt chính sách, tuy nhiên, những
hỗ trợ này vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả cho thị trường. Ngay cả
gói hỗ trợ lên đến 29.000 tỷ đồng nhằm giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp
mới đây cũng không có nhiều tác động, khi doanh thu của nhiều doanh
nghiệp BĐS trong cả năm nay gần như bằng… không. Trong khi đó, nếu vay
được tiền nhờ chính sách nới tín dụng, thì với lãi suất hiện nay, doanh
nghiệp càng lâm vào khó khăn, thậm chí phá sản, do doanh nghiệp không
thể bán được sản phẩm.
Theo ông Kha, hiện ngành sản xuất nào cũng rất thiếu vốn, nhưng nói
doanh nghiệp BĐS quá cần vốn thì không đúng. Bởi sản phẩm tồn kho của
các doanh nghiệp BĐS hiện rất nhiều. Chỉ cần giải quyết được lượng hàng
tồn kho, doanh nghiệp sẽ hết khó khăn và thị trường BĐS chắc chắn sẽ
phát triển.
Việc bán được hết các sản phẩm tồn kho của doanh nghiệp BĐS hiện nay
là rất khó. Bởi người dân không có xu hướng chi tiêu mạnh, cũng không
muốn đem tiền vào đầu tư sản xuất, mà sẽ gửi vào ngân hàng để hưởng lãi
suất. Muốn kéo được tiền ra khỏi ngân hàng, trần lãi suất đầu vào phải
giảm xuống 7 - 8%/năm. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần giảm thu thuế GTGT
với doanh nghiệp BĐS, từ 10% xuống mức 3 - 5%. Như thế, nguồn cung hàng
ra thị trường mới có được mức giá tốt hơn.
Ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó tổng giám đốc CTCP Sông Đà Thăng Long lại cho
rằng, muốn thị trường BĐS khởi sắc, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Nhà
nước cần phải hạn chế nguồn cung bằng việc ngừng cấp phép xây dựng các
dự án mới, đồng thời, thu hồi các dự án chậm triển khai quá lâu. Song
hành với hạn chế nguồn cung, Nhà nước cần phải có những chính sách kích
cầu như tiếp tục hạ lãi suất, tiếp tục mở rộng cho vay mua nhà.
Dẫu vậy, về dài hạn, muốn thị trường BĐS phát triển ổn định, theo ông
Việt, nền kinh tế vĩ mô phải ổn định, các lĩnh vực sản xuất phải phát
triển, việc làm của người lao động được đảm bảo. Từ đó, người dân mới tự
tin hơn trong việc chi tiêu, mua sắm và nghĩ đến việc đầu tư vào BĐS,
mặt hàng có giá trị lớn.
>>Ngắm siêu xe của Cường Đô La
0 nhận xét to "Kích cầu bất động sản, cách nào?"