Đây chỉ là một trong nhiều ý kiến băn khoăn của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi được “xin ý kiến” về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
|
Đề án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân. |
Hội trường phiên họp của Thường vụ Quốc hội hôm 11/5 tràn ngập âm thanh. Đó là tiếng các bản nhạc phát ra từ các màn hình tivi cỡ lớn đang chiếu lên mô hình về Thủ đô những năm 2030 và “ước mơ” đến năm 2050.
Đây là đoạn phim mô phỏng được Bộ Xây dựng trình chiếu phục vụ các đại biểu sau khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trình bày tóm tắt Đồ án quy hoạch Thủ đô đang được hoàn thiện.
Kết thúc đoạn phim, tiếng vỗ tay vang lên, nhưng cũng ngay sau đó, có ý kiến đại biểu cho rằng “Vẽ thì đẹp như thế, nhưng không biết đến lúc làm có đẹp hay không?”. Câu hỏi này cũng bắt đầu cho một loạt những băn khoăn sau đó được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra.
Ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đặt câu hỏi về xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì tách biệt với Trung tâm chính trị ở Ba Đình liệu có gì khác nhau không? Bên cạnh đó, nhiều trụ sở, cơ quan làm việc cấp bộ đang được xây dựng ở nội đô cũ, nếu bây giờ quy hoạch lại thì phải tính toán như thế nào? Nhiều đại biểu khác cũng có cùng quan điểm này.
Bên cạnh đó, các đại biểu còn e ngại tính hợp lý của Đồ án với nhiều quy hoạch đã được xác lập trước đó. Cụ thể, nếu được xây dựng thì trục Thăng Long sẽ song song với đường Láng- Hòa Lạc, như thế liệu có phù hợp? Hơn nữa, đã nói là quy hoạch thì phải đảm bảo ổn định. Từ năm 1981 đến nay, Hà Nội đã có 3 lần chỉnh sửa quy hoạch, tất cả đều là làm quy hoạch mới. Trong quá khứ, đã có lúc Xuân Hòa được quy hoạch để làm Trung tâm hành chính Thủ đô, rồi có làm được đâu?
Quốc hội không phải quyết!
“Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo cho rằng Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không phải là văn bản trình Quốc hội quyết định, mà là trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoàn chỉnh và phê duyệt. Như thế, Quốc hội chỉ đơn giản là “tư vấn”.
Những ý kiến đóng góp ở Thường vụ, hay trước toàn thể Quốc hội rồi cũng chỉ được bóc băng, gửi Chính phủ...”, đại biểu Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đưa ra một góc nhìn khác.
Ông Bình cũng đặc biệt lưu ý đến vấn đề an ninh, quốc phòng chưa được chú trọng trong Đồ án. Cùng với đó, vị trí Trung tâm hành chính mới tại Ba Vì và nguồn tài chính để thực hiện cũng rất thiếu cơ sở, vượt ra khỏi khả năng của ngân sách.
Thừa nhận trước Thường vụ Quốc hội rằng do Đồ án có quy mô lớn, Ban soạn thảo cũng chưa lấy hết ý kiến của các nhà khoa học, các hội nghề nghiệp. Ví như chuyện quy mô dân số, theo dự kiến thì tới đây Hà Nội sẽ siết chặt nhập cư, như thế, quy mô dân số sẽ là vấn đề lớn phải xem xét. Đồ án đưa ra mức dân số vùng lõi Thủ đô (tính từ vành đai 4 trở vào) là 7 đến 7,5 triệu người cũng cần cân nhắc cho phù hợp với phát triển hạ tầng.
Tổng mức đầu tư đến 90 tỷ USD
Giai đoạn đến năm 2020, Hà Nội đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung với tổng kinh phí khoảng 30,7 tỷ USD. Trong đó giao thông chiếm 56% tổng vốn đầu tư, tương ứng khoảng 20,4 tỷ USD.
Đến giai đoạn năm 2030, kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung tăng thêm khoảng 28,9 tỷ USD, trong đó giao thông chiếm khoảng 12,9 tỷ USD. Giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật tăng thêm khoảng 29,9 tỷ USD, trong đó giao thông chiếm khoảng 16,8 tỷ USD. |
Theo GĐ&XH
|
0 nhận xét to "Cơ quan nào sẽ "duyệt" đồ án quy hoạch Hà Nội?"