Hanoi Metro
Planning clip Hanoi 2030
Thư Viện Video Clip Trực Tuyến

Home » , , » Quá nhiều lo ngại quanh đồ án quy hoạch Hà Nội

Quá nhiều lo ngại quanh đồ án quy hoạch Hà Nội

>>Ngắm siêu xe của Cường Đô La

Tại sao dời trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì? Sao đã có trục Láng - Hòa Lạc, quốc lộ 32 vẫn xây trục Thăng Long? Sao chọn liên danh tư vấn không tên tuổi?... Là những câu hỏi được đại biểu Quốc hội đặt ra tại buổi thảo luận tổ chiều 3/6.
Tán thành về cơ bản định hướng quy hoạch thủ đô Hà Nội vì không khác mấy so với quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận không đồng ý xây dựng trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì và trục Thăng Long.
"Với thể chế của chúng ta, Đảng ở đâu, Quốc hội, Chính phủ phải ở đấy. Mặt khác có ai đảm bảo vĩnh viễn Hà Nội và Hà Tây cũ là một. Đất Hà Nội cũ tuy chật, nhưng vẫn đủ rộng cho các cơ quan hành chính. Nếu Ba Đình không được thì có thể xây ở Mỹ Đình vì đây vẫn thuộc đất Thăng Long xưa", ông Thuận nói.
Chủ nhiệm Thuận cung cấp thêm: "Khi tôi hỏi kinh nghiệm của Malaysia tách bạch trung tâm hành chính và chính trị họ nói phức tạp lắm. Hay Nam Phi khi tách rời cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp, họ nói rất tốn kém vì phải di chuyển xa".
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Phạm Thị Loan đặt câu hỏi: "Tại sao lại chọn một nơi quá xa như vậy? Có người nói sau năm 2050 sẽ có tàu điện ngầm, đi lại thuận tiện, nhưng tôi không tin. Ngay như khu công nghệ cao Hòa Lạc 12 năm nay vẫn chưa ra hình hài".
Clip quy hoạch thủ đô Hà Nội năm 2030
Thẳng thắn đề nghị Chính phủ loại bỏ ý tưởng xây trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì ra khỏi đồ án quy hoạch, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn nói: "Trung tâm chính trị, hành chính quốc gia phải ở Ba Đình. Tôi thấy có điều gì đó tự phát khi đặt các bộ ra khu Mỹ Đình, đi lại rất mệt".
Bảo vệ ý tưởng của Chính phủ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết việc xây trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì có ba cái lợi. Một là giãn dân cư hợp lý. Hai là hiện đại hóa công sở theo công nghệ hiện đại mới. Ba là giúp dân đến làm việc thuận tiện, không phải đi lại vòng vèo như hiện nay. Tuy nhiên, ông Hợp cũng cho rằng vẫn cần tính kỹ việc này.
Trục Thăng Long nối đường Hoàng Quốc Việt kéo dài với chân núi Ba Vì cũng được đặc biệt quan tâm. Đại biểu Nguyễn Văn Thuận và Nguyễn Thị Vân Yến cho rằng rất lãng phí, thậm chí vô lý khi xây dựng trục đường này vì nó chỉ cách trục đường Láng - Hòa Lạc có 4 km.
Đại biểu Phạm Thị Loan bình luận không bình thường khi đưa ra trục Thăng Long. "Dường như đất dọc trục này đã được quy hoạch thành dự án hết rồi, đưa vào giống như là để hợp thức hóa mà thôi. Tại sao không phát triển hướng Đông Anh hay Sóc Sơn, mà lại chọn trục nối với Ba Vì?", bà Loan nghi ngờ.
Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Á Phạm Thị Loan cũng cho rằng một trong những nguyên nhân khiến giá đất ở khu Ba Vì đang gia tăng chóng mặt là việc quy hoạch trục Thăng Long quá đẹp, trong khi không thực sự cần thiết.
Dưới góc nhìn của nhà kinh doanh, Chủ tịch Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam Phương Hữu Việt lo lắng vấn đề bồi thường khi quy hoạch thủ đô mới khiến hơn 700 dự án đã được các cấp có thẩm quyền của Hà Nội và Hà Tây cũ phê duyệt, doanh nghiệp đã bỏ tiền ra làm, giờ buộc phải điều chỉnh. "Hãy xem dự xây khách sạn trong công viên Thống Nhất, giờ hủy bỏ người ta đòi bồi thường 80 triệu USD", ông Việt dẫn chứng.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn phản ánh doanh nghiệp kịch liệt phản đối hành lang xanh quy hoạch đưa ra. "Trước đây để làm đường Láng - Hòa Lạc, đường 70, cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện đổi đất cho doanh nghiệp làm đường. Giờ với quy hoạch mới, đất của họ vướng vào hành lang xanh, khu vực hạn chế phát triển", ông Đàn giải thích.
Sau khi nghe Chính phủ báo cáo, đại biểu xem sa bàn và thảo luận về quy hoạch thủ đô Hà Nội. Ảnh: PV.
Một số đại biểu băn khoăn về việc lựa chọn liên danh tư vấn quốc tế PPJ (Perkins Eastman của Mỹ, POSCO E&C và JINA của Hàn Quốc) thực hiện. "Quy hoạch thủ đô một nước lả rất khó, trên thế giới rất ít công ty dám đảm nhiệm. Hai công ty tư vấn cho ta trình độ chỉ ở mức độ, không phải là tên tuổi", đại biểu Phương Hữu Việt thông tin.
Ông Việt cũng chỉ ra một dẫn chứng cho thấy năng lực dự báo của quốc tế có vấn đề. "Dự báo không sát với thực tế. Ví như dân số Hà Nội hiện nay trên 6,4 triệu người, đến năm 2020 mà chỉ tăng cơ học lên thành 7,1-7,4 triệu là không hợp lý. Cứ xem từ năm 1990 đến nay, dân số Hà Nội đã tăng như thế nào. Hiện cứ 10 sinh viên ra trường thì phải 9 em muốn ở Hà Nội làm việc", ông Việt nói và đề nghị xem xét lại năng lực của liên danh tư vấn.
Chung băn khoăn này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đã chuyển một câu hỏi đến thành viên Chính phủ Lê Doãn Hợp rằng tại sao chọn công ty của Mỹ và Hàn Quốc. "Trên thế giới có 3 trường phái kiến trúc đô thị, đó là Pháp, Nga và Italia, vậy tại sao không chọn tư vấn của một trong ba trường phái trên. Nếu nói quy hoạch phải thể hiện được tính dân tộc, tính Á Đông thì Hàn Quốc không phải là đại diện của phương Đông", ông Thuận nêu vấn đề.
Vì còn quá nhiều băn khoăn, các đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định. "Đây là một cuộc cách mạng trong quy hoạch, với trách nhiệm to lớn trước dân, trước các thế hệ mai sau, chúng ta không thể vội vàng, cẩu thả", đại biểu Nguyễn Phụ Đông nói. Ông Đông đề nghị Quốc hội phải ra luật về quy hoạch để quản lý chặt chẽ những quy hoạch đã được phê duyệt, khắc phục tính tùy tiện, tính nhiệm kỳ và đề phòng tác động của nhóm lợi ích đến quy hoạch.
Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 15/6.

>>Ngắm siêu xe của Cường Đô La

0 nhận xét to "Quá nhiều lo ngại quanh đồ án quy hoạch Hà Nội"

Leave a comment